Tin tức

Tin tức

Ghi chỉ số điện bằng điện thoại di động

Từ cuối tháng 11/2012, Công ty Điện lực Ninh Thuận đã áp dụng công nghệ ghi điện, gạch nợ bằng điện thoại di động tại 5 Điện lực trực thuộc.


Để thực hiện biện pháp này, PC Ninh Thuận đã trang bị 115 máy điện thoại di động cho 5 Điện lực: Phan Rang- Tháp Chàm, Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn và Thuận Bắc.

Giải pháp này đã mang lại nhiều lợi ích như: thông báo ngay cho khách hàng biết sản lượng điện tiêu thụ và số tiền phải trả ngay sau khi ghi điện, hạn chế thấp nhất các sai sót từ khâu nhập chỉ số, kiểm tra chỉ số bất thường, chấm, xóa nợ; Giảm bớt nhân công nhập dữ liệu, nhất là trong giai đoạn cao điểm ghi chỉ số; khâu kiểm dò chỉ số cũng rất nhanh chóng và giảm thiểu sai sót so với cách ghi bằng sổ thông thường; rút ngắn thời gian ra hóa đơn từ 1-2 ngày, giúp công tác thu tiền điện có thêm thời gian; tính cơ động cao do có thể giao nhận sổ từ xa (ghi xong truyền dữ liệu về, khai báo sổ mới tiếp tục ghi tiếp).


Mặt khác, giải pháp cũng hỗ trợ tích cực các thu ngân viên trong việc kiểm soát tiền thu một cách nhanh chóng và chính xác; không cần phải cộng tiền từng hóa đơn như trước đây, rút ngắn thời gian chấm xóa nợ do các thông tin gạch nợ đã được chuyển vào từ điện thoại di động của thu ngân viên, nên nhân viên xóa nợ chỉ cần kiểm tra và quyết toán hóa đơn. Chương trình cũng đã xác định được tọa độ GPS của từng khách hàng, hiện tại dữ liệu tọa độ được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu tại Công ty. Ngoài ra, nhân viên ghi điện và dịch vụ bán lẻ điện năng có thể dùng thoại di động chụp ảnh điện kế khiếm khuyết, vi phạm hành lang an toàn lưới điện và đặc biệt là tang chứng vi phạm sử dụng điện.

Trong thời gian tới, dựa vào việc xác định tọa độ GPS của từng khách hàng, Công ty Điện lực Ninh Thuận sẽ xây dựng sơ đồ lưới điện nhánh dây brachement nhằm phục vụ công tác quản lý khách hàng, quản lý lưới điện, phát triển điện kế mới và đặc biệt là dịch vụ chăm sóc khách hàng, góp phần hoàn thiện Chương trình ”Nụ cười và niềm tin Điện lực”.

Năm 2020: 100% hộ được xem truyền hình số

Đến năm 2015, đảm bảo 80% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ tới 60% dân cư.

Đến năm 2020, đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ tới 80% dân cư. Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị triển khai đề án Số hoá truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, được bộ Thông tin và truyền thông tổ chức sáng ngày 26.3.

Theo bộ Thông tin và truyền thông, hiện có gần 50% số hộ xem truyền hình phát sóng tương tự mặt đất (analog), bởi thế, việc số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất sẽ giúp có những chương trình chất lượng cao hơn, phát trên chuẩn HD, 3D phục vụ người dân. Ngoài ra, việc quy hoạch lại sẽ giúp các nhà đài sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số vô tuyến điện; sắp xếp hệ thống các đài truyền hình cả nước theo hướng chuyên nghiệp hoá, tức là nhà đài tập trung vào sản xuất chương trình, còn việc truyền dẫn phát sóng giao cho các doanh nghiệp.

Đề án số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 nhằm mục tiêu chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số, đồng thời giải phóng một phần tài nguyên tần số để phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng.

Theo quy hoạch, Việt Nam có 5 – 6 doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất; trong đó có 2 – 3 doanh nghiệp truyền dẫn toàn quốc, còn lại là truyền dẫn khu vực. Hiện Việt Nam đã có ba đơn vị khai thác dịch vụ truyền dẫn phát sóng trên toàn quốc là: VTV, VTC và AVG. Theo lộ trình số hoá truyền hình, các tỉnh sẽ kết thúc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) để hoàn toàn chuyển sang truyền hình số mặt đất.

Cụ thể, giai đoạn 1, áp dụng tại năm thành phố gồm: Hà Nội (cũ), TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ (trước ngày 31.12.2015). Giai đoạn 2, gồm: Hà Nội (mở rộng), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Khánh Hoà, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang (trước ngày 31.12.2016).

Giai đoạn 3, gồm các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang (trước ngày 31.12.2018). Giai đoạn 4 gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Kon Tum, Gia Lai, Dăk Lăk, Dăk Nông (trước ngày 31.12.2020).

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho biết tuỳ điều kiện của mình, các địa phương có thể tiến hành việc số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất sớm hơn so với quy hoạch.

Thiên Lam

Liên danh KEPCO, Marubeni thắng thầu nhà máy điện $ 2,3 tỷ đô la

Công ty điện lực Hàn Quốc (KEPCO) tập đoàn thương mại Nhật Bản Marubeni Corp đã giành được một hợp đồng trị giá 2,3 tỷ USD để xây dựng và vận hành nhà máy điện chạy bằng than đá ở Việt Nam.

Liên doanh được sự bảo đảm tài chính từ Korea Eximbank Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, và hợp đồng xây dựng nhà máy do Doosan Heavy Industries & Construction đảm nhận. KEPCO dự kiến doanh thu 15 tỷ đô la Mỹ sau hơn 25 năm kể từ khi nhà máy bắt đầu hoạt động vào năm 2018.

Chuyên mục phụ