Tin tức

Huy động nguồn lực đột phá đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông

Chinhphu.vn) -  Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giao thông vận tải với tốc độ nhanh, đồng bộ, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Đây là mục tiêu của đề án Huy động các nguồn lực đột phá để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vừa được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 4403/QĐ-BGTVT.

Giải quyết tình trạng thắt cổ chai của hệ thống cơ sở hạ tầng


Đề án nêu rõ, sẽ tăng cường công tác bảo trì các công trình hiện có để nâng cao năng lực thông qua; đẩy nhanh tốc độ xây dựng mới các công trình giải quyết tình trạng thắt cổ chai của hệ thống cơ sở hạ tầng gồm: Đường bộ cao tốc, cảng biển cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế, cảng hàng không quốc tế lớn; kết nối mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không với các vùng kinh tế trọng điểm.

Ngoài ra, phát triển hệ thống giao thông vận tải đối ngoại, nối thông đường Hồ Chí Minh, đường vành đai, đường tuần tra biên giới; tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị và vận tải khách công cộng, nhanh chóng phát triển phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh…

Tổng nhu cầu vốn từ năm 2011 – 2020 toàn ngành giao thông vận tải là khoảng 1.500.000 tỷ, trong đó các dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý khoảng 1.100.000 tỷ, các dự án do Bộ khác quản lý khoảng 400.000 tỷ.

Sau khi bố trí vốn giai đoạn 2011 – 2013; giai đoạn 2014 – 2020 nhu cầu vốn cho các dự án do Bộ Giao thông vận tải trực tiếp quản lý là khoảng 965.000 tỷ đồng. Trong đó dự kiến huy động được 453.000 tỷ đồng (xấp xỉ 47%). Như vậy còn thiếu 53% khoảng 512.000 tỷ đồng là chưa xác định được nguồn. Trong số này dự kiến sẽ phải huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước là chủ yếu.


Có cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông

Về giải pháp huy động vốn, Đề án nêu rõ, ngoài phần vốn ngân sách nhà nước theo kế hoạch hàng năm, Nhà nước cần cân đối đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA, vốn để tham gia vào các dự án đầu tư BOT, PPP.

Duy trì, tiếp tục phát hành trái phiếu Chính phủ đề đầu tư cho giao thông vận tải và dành một phần vốn trái phiếu Chính phủ cho phát triển giao thông nông thôn.

Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên cơ sở đề nghị Chính phủ sửa đổi chính sách thông thoáng, tạo thuận lợi và chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư. Trong đó, cần có cơ chế chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông như vay vốn ngân hàng lãi suất thấp đối với những dự án đặc biệt quan trọng, các dự án ở những vùng đặc thù, đảm bảo quốc phòng an ninh; Ưu tiên cho khai thác các dịch vụ liên quan dọc tuyến đường bộ (trạm xăng dầu, trạm dừng nghỉ, trạm cân xe, quảng cáo…), miễn giảm thuế, thưởng tiến độ các dự án, hưởng chênh lợi nhuận nếu nhà đầu tư tiết kiệm chi phí xây dựng.

Ngoài ra, ban hành chính sách bảo lãnh doanh thu cho các dự án BOT, PPP, BTO trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp điều kiện đặc thù thời gian hoàn vốn dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro (dự báo lưu lượng xe, lãi suất vay…). Nghiên cứu để có thể hình thành Quỹ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vào thời điểm thích hợp trên cơ sở thu các nguồn có phát sinh liên quan đến sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông…


Vân Trang