Hiện nay, TPHCM có hai hệ thống chiếu sáng đường phố. Đó là hệ thống chiếu sáng dân lập với khoảng 158.786 bộ đèn, tiêu thụ trung bình 17.000 kWh, do quận - huyện quản lý và hệ thống chiếu sáng công cộng với 110.900 bộ đèn, do Công ty Chiếu sáng công cộng TP quản lý. Hàng năm, TPHCM phải chi trả 130 tỷ đồng cho lượng điện chiếu sáng nêu trên.
Theo Sở GTVT, riêng hệ thống chiếu sáng do sở quản lý đã là hơn 110.000 bộ đèn chiếu sáng hiệu suất cao (công suất từ 50W đến 400W). Nếu sử dụng đúng công suất, hệ thống đèn này sẽ tiêu thụ gần 26.000kW điện/đêm. Để giảm điện dùng thắp sáng đèn đường, thời gian qua, hàng loạt giải pháp đã được thực hiện đối với lĩnh vực chiếu sáng công cộng như: cắt luân phiên đến 50% số bóng đèn, giảm số giờ chiếu sáng, thay thế các bóng đèn cũ hỏng bằng các loại bóng đèn tiết kiệm hơn… cũng đã mang lại hiệu quả nhất định: công suất tiêu thụ thực tế chỉ hơn 15.000kW điện năng, tiết kiệm hơn 40%.
Tuy nhiên, về lâu dài việc cắt giảm 50% đèn chiếu sáng công cộng là bất cập vì không đảm bảo an toàn trong giao thông. Nhằm thực hiện chủ trương tiết kiệm điện trên hệ thống đèn chiếu sáng công cộng của TPHCM, trong năm 2012, TP sẽ lắp đèn sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió để thay thế cho đèn chiếu sáng công cộng dùng điện hiện nay tại một số tuyến đường thích hợp. Có thể nói, giải pháp sử dụng công nghệ kết hợp năng lượng mặt trời và gió làm nguồn điện cấp cho đèn đường trên một số tuyến phố mới hoặc cải tạo lại ở TPHCM là một giải pháp khả thi không chỉ giúp tiết kiệm điện mà còn là giải pháp phát triển bền vững cho một đô thị văn minh.
Theo Chương trình Năng lượng xanh TPHCM đến năm 2015, để tiết kiệm năng lượng đối với hệ thống chiếu sáng công cộng, TP yêu cầu từ nay đến năm 2015 phấn đấu tiết kiệm 10 triệu kWh. Để thực hiện được điều này, giải pháp mà TP đưa ra trong thời gian tới là cắt giảm từ 40% đến 50% công suất đèn chiếu sáng của hệ thống chiếu sáng 1 cấp công suất chưa kết nối về trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng TP.
Riêng các vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông cao (trên các cầu đường bộ, khúc cua cong, khu vực giao lộ ngã ba, ngã tư, khoảng cách chiếu sáng giữa 2 đèn lớn hơn 70m) thì không thực hiện tiết giảm đèn chiếu sáng công cộng. Sử dụng đèn chiếu sáng 2 cấp công suất hoặc đèn LED đối với những tuyến đường đầu tư xây dựng mới, các khu đô thị, khu dân cư, lắp đặt thiết bị kết nối về trung tâm điều khiển chiếu sáng đối với hệ thống đèn chiếu sáng công cộng 1 cấp công suất. Thay thế dần các đèn chiếu sáng 1 cấp công suất thành 2 cấp công suất, đồng thời rà soát và có kế hoạch thay thế các đèn chiếu sáng công cộng có công suất phù hợp với các tuyến đường có mật độ xe lưu thông thấp.
Ngoài ra, TP cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải có kế hoạch sử dụng thí điểm các loại đèn chiếu sáng tiết kiệm điện, năng lượng xanh cho hệ thống chiếu sáng công cộng như đèn năng lượng gió, đèn LED, đèn sử dụng năng lượng mặt trời.