Tin tức

Tin tức

Công ty quốc phòng Nga đặt văn phòng tại Nha Trang

Công ty cổ phần NPO Avrora chuyên hệ thống điều khiển tự động và chỉ huy tác chiến của tàu chiến và tàu ngầm vừa chính thức khai trương văn phòng đại diện ở Nha Trang, Kh́anh Hòa.

 

Website của công ty có trụ sở tại St Petersburg nói Avrora đã nhận được giấy phép mở văn phòng đại diện hôm 17/12/2012.

Lễ khai trương văn phòng diễn ra hôm thứ Tư 13/3 với sự có mặt của Chuẩn Đô đốc, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Nguyễn Văn Kiệm, báo Tiền Phong cho biết.

Báo này cũng nói Avrora đã có một số dự án hợp tác với hải quân Việt Nam "về việc cung cấp trang thiết bị kỹ thuật, nhất là hệ thống mô phỏng huấn luyện".

 

Trong khi đó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng được dẫn lời nói ông mong muốn Avrora "sẽ tham gia đầu tư xây dựng căn cứ dịch vụ tàu chiến của Việt Nam, đang được triển khai xây dựng tại vịnh Cam Ranh".

 

Cam Ranh cách Nha Trang chừng 40 km, là nơi Liên Xô, sau đó là Nga, có căn cứ hải quân thời kỳ Chiến tranh lạnh.

 

Nga quay lại Cam Ranh?

 

Có bình luận rằng với những diễn biến gần đây, mới nhất là chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và chuyến thăm hiện giờ của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đi Nga, hai nước đang nhanh chóng xích lại gần nhau trong lĩnh vực quốc phòng.

 

Nga đã và đang là nhà cung cấp vũ khí, trang thiết bị hàng đầu cho Việt Nam.

 

Moscow đang giúp Hà Nội chuẩn bị thành lập cơ sở tàu ngầm đầu tiên, đặt tại Vịnh Cam Ranh.

 

Tuy nhiên Việt Nam vẫn bác bỏ rằng sẽ cho Nga quay lại vùng vịnh mang tính chiến lược lớn này.

 

Nga rút hết quân khỏi Cam Ranh năm 2002, sau đó Việt Nam tuyên bố sẽ không cho quân đội nước ngoài vào đồn trú tại Cam Ranh.

 

Công ty Avrora (Rạng Đông) chuyên thiết kế, sản xuất và cung cấp các hệ thống điều khiển tự động và hệ thống chỉ huy tác chiến cho tàu chiến và tàu ngầm các loại khác nhau.

 

Công ty này cũng sản xuất các module điều khiển cho tàu chiến và tàu ngầm.

 

Nga đã cam kết đào tạo thủy thủ đoàn cho hạm đội tàu ngầm của Việt Nam, với nhiều quân nhân Việt Nam đang tu nghiệp ở St Petersburg.

 

Ngoài Nha Trang, Avrora có văn phòng ở Mumbai, cũng là căn cứ hải quân chủ lực của Ấn Độ.

Featured

Các chuyên gia cho rằng internet Việt Nam quá chậm

Báo cáo Akamai cho rằng tốc độ Internet trung bình ở Việt Nam năm ngoái giảm 21%, các chuyên gia cho rằng vì các công ty cung cấp dịch vụ Internet tối ưu hóa việc sử dụng băng thông rộng đã ảnh hưởng đến kết quả đo.

Báo cáo Quý 3 2012 về tốc độ Inetrnet của Akamai, nhà cung cấp nội dung tại Mỹ, cho thấy tốc độ Internet trung bình ở Việt Nam là 1.3Mbps. Tốc độ này ở vị trí 49 trong số 54 quốc gia được khảo sát, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là 2,8 Mbps.

Sau khi khảo sát 4,7 triệu địa chỉ IP từ Việt Nam. Akamai thấy rằng 5,07% trong số đó  kết nối Internet tốc độ thấp hơn 256 Kbps, trong khi 1,17% kết nối Internet cao hơn 4 Mbps chỉ có 0,03% kết nối cao hơn 10 Mbps.

Khi so sánh với 12 nước trong khu vực được khảo sát, Việt Nam được xếp hạng trên chỉ Ấn Độ (1,0 Mbps) In-đô-nê-xi-a (1,2 Mbps).

Trong khi đó, theo NetIndex, số liệu thống đo bằng Speedtest.net, tốc độ tải Internet tại Việt Nam từ ngày 26 tháng 1 năm 2013 đến 24 tháng 2 năm 2013 9,90 Mbps, ở vị trí 55 trong số 180 quốc gia. Tốc độ tải lên 7,38 Mbps, ở vị trí 27 trong số 180 quốc gia.

Theo Trung tâm Internet Việt Nam VNNIC, tháng mười một năm 2012, tốc độ trung bình cho mỗi 31,3 triệu người sử dụng Internet tăng 0,002 Mbps so với năm 2011. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng con số này là không đáng tin cậy bởi chỉ các nhà cung cấp dịch vụ Internet chỉ có dữ liệu chính xác về thuê bao của họ.

Trong khi đó, đại diện của các nhà cung cấp dịch vụ Internet khẳng định, trong năm 2012, đã tăng băng thông quốc tế để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người sử dụng. Ví dụ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam(VNPT), cấp 160 Gbps băng thông quốc tế, dự kiến sẽ tăng tới 270 Gbps vào năm 2015 và 500 Gbps vào năm 2020. FPT Telecom nâng cấp băng thông quốc tế của mình cho tất cả các gói dịch vụ FTTH năm ngoái với tốc độ truy cập Internet tối thiểu từ 1.152 Kbps đến 3,072 Kbps. CMC Telecom cũng tăng gấp đôi băng thông quốc tế kể từ tháng 12 năm 2012.

Giải thích kết quả báo cáo của Akamai, các chuyên gia nói rằng vấn đề có thể nằm trong các phương pháp đo lường. Theo phương pháp của công ty được sử dụng, khi số lượng thuê bao Internet mới tăng, tốc độ trung bình sẽ giảm.

Ngân hàng Nga cho vay tiền xây nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam

VTB Bank, ngân hàng nhà nước của Nga, sẵn sàng cho tập đoàn năng lượng hạt nhân dân sự Rostom vay 1 tỷ đôla để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam.

Ông Valery Lukyanenko, một thành viên hội đồng quản trị của VTB, cho biết ngân hàng lớn thứ hai ở Nga này sẵn sàng hỗ trợ và giải ngân 1 tỷ đôla cho Rosenergoatom, công ty con của Rosatom, tham gia quá trình xây dựng ở Việt Nam.

Tập đoàn năng lượng Rosatom của Nga giành hợp đồng xây nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hồi năm 2010.

Tin cho hay, giá thành xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận tại miền nam Việt Nam ước tính lên tới 10 tỷ đôla.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hồi tháng 11 năm 2012 nói rằng Moscow sẽ dùng tiền nhà nước để cho vay xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Được biết, công tác xây dựng nhà máy sẽ được khởi công vào cuối năm 2014.

Việt Nam dự kiến sẽ hoàn tất nhà máy điện hạt nhân đầu tiên hợp tác với Nga vào năm 2020.

Chính quyền đất nước Đông Nam Á này cũng dự kiến xây dựng một nhà máy điện hạt nhân thứ hai với Nhật Bản.

Tokyo cũng đã cam kết cho Hà Nội vay tiền để xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Nhu cầu năng lượng của Việt Nam dự kiến sẽ tăng cao trong nhiều thập kỷ tới, dẫn tới quyết định xây nhà máy hạt nhân của chính phủ.

Nhưng dự án này cũng vấp phải nhiều chỉ trích của những người phản đối, nhất là trong bối cảnh xảy ra thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản sau trận động đất và sóng thần năm 2011.

Bộ Ngoại giao Việt Nam từng cho biết ‘sẽ hợp tác chặt chẽ’ với Nhật Bản để ‘có phương án tốt nhất cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân’.

Ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, từng nhận định rằng những gì xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản, là ‘nghiêm trọng’, nhưng không vì thế mà Hà Nội thay đổi quyết định hợp tác hạt nhân với Tokyo.

Nguồn: Ria Novosti, The Voice of Russia

Chuyên mục phụ