Tin tức

Tin tức

Hội thảo khu vực "Phòng chống hỏa hoạn ở đô thị"

Bộ phận Cảnh sát thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phối hợp với Bộ công an Việt Nam tổ chức hội thảo khu vực ASEAN về « Phòng chống hỏa hoạn ở đô thị » trong hai ngày 01 và 02 tháng 07 năm 2015 tại khách sạn Sofitel Plaza Hà Nội.

Hội thảo ở quy mô khu vực này sẽ qui tụ lãnh đạo các cơ quan phòng chống hỏa hoạn và cứu hộ của 10 nước ASEAN. Ba chuyên gia về an ninh dân sự của Pháp sẽ chia sẻ các kinh nghiệm và cách làm thực tế của họ trong ngành. 8 doanh nghiệp Pháp (trong đó có một số đã thành lập chi nhánh ở Việt Nam) cũng sẽ tham gia và giới thiệu các công nghệ, thiết bị mới nhất tại hội thảo, bao gồm GEROC, GIMAEX, LABARONNE-CITAF, LEADER, PAUL BOYE, TECOFI, THALES và SYSTEL.

Việt Nam, cũng như phần lớn các quốc gia của khu vực ASEAN, thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề hỏa hoạn ở đô thị. Thiệt hại về người là rất lớn và các hậu quả kinh tế, tài chính thường rất nặng nề. Hơn nữa, việc tiếp cận với đám cháy và tác nghiệp của nhân viên cứu hỏa lại bị hạn chế bởi điều kiện ở đô thị như độ hẹp của đường phố, độ cao của các tòa nhà và việc lấn chiếm đường dành riêng cho cứu hộ. Việc không tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn, tình trạng cũ nát của các tòa nhà và các vật liệu dễ bắt cháy được sử dụng khi xây dựng tòa nhà là những nguyên nhân chính gây hỏa hoạn.

Để có thể phòng và giải quyết tình trạng cấp bách này, các nhân viên cứu hộ phải được trang bị phù hợp, tổ chức đội ngũ và tập huấn đầy đủ. Thời gian tác nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng, có thể được rút ngắn nhờ vào các thiết bị viễn thông.

Tất cả những vấn đề này đều được đề cập đến trong bài phát biểu của các cơ quan cứu hộ Việt Nam, In-đô-nê-xia, Ma-lay-xia, Xing-ga-po, Bru-nây, Thái Lan, Cam-pu-chia, Lào, My-a-ma và Phi-lip-pin. Hội thảo cũng sẽ có hai phiên thảo luận bàn tròn về việc tăng cường các quy định an toàn và quy trình tác nghiệp.

Bổ nhiệm tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam

Chiều 30/6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giữ chức vụ Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo Quyết định số 5939/QĐ-BCT do Bộ trưởng Bộ Công Thương - Vũ Huy Hoàng ký ngày 12/6/2015, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015.

Ông Đặng Hoàng An đã tốt nghiệp Kỹ sư Hệ thống điện tại Đại học Điện máy Plzen - Công hòa Czech năm 1988. Sau đó, ông An đã hoàn thành chương trình Thạc sỹ Học viện Công nghệ châu Á (AIT – Thái Lan) năm 1997 với chuyên ngành Quản lý hệ thống điện và năm 2004 với chuyên ngành Quản trị kinh doanh.

Ông Đặng Hoàng An đã từng có thời gian hơn 20 năm công tác trong ngành Điện, trong đó có hơn 10 năm công tác tại Cơ quan Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ông An đã đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, phụ trách các lĩnh vực: Điều hành công tác sản xuất điện các nhà máy điện, công tác vận hành hệ thống điện, thị trường điện, công tác quy hoạch trung hạn và đầu tư xây dựng lưới điện 110kV của các Tổng Công ty Điện lực…/.
Ông Phạm Lê Thanh (Thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) sẽ được nghỉ chế độ theo quy định.

PVN đầu tư cảng, kho chứa xăng dầu tại Phú Quốc

PVN đã khởi công “Dự án xây dựng căn cứ Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp Phú Quốc" và "Dự án Kho ngoại quan, dự trữ xăng dầu quốc gia tại Phú Quốc” với số vốn đầu tư 5.6 nghìn tỷ đồng (260 triệu đô la Mỹ). Lễ khởi động xây dựng hai dự án Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp và Kho xăng dầu ngoại quan tại Phú Quốc là bước đi đầu tiên trong chuỗi phát triển các mỏ khí Lô B và 52/97 (sau gọi là dự án khí Tây Nam Bộ), ngoài khơi thềm lục địa phía Tây Nam Việt Nam, cách đảo Phú Quốc 210 km về phía Tây Nam. Đây là bước đi mạnh mẽ, quyết liệt của PVN sau khi đã chính thức mua lại cổ phần tham gia của Công ty dầu khí Chevron (Mỹ) và trở thành nhà điều hành trong hợp đồng dầu khí của các lô này cùng với các đối tác Moeco (Nhật), PVEP (đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) và PTTEP (Thái Lan).

Tổng giám đốc PTSC Phan Thanh Tùng cho biết: dự án Căn cứ cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp Phú Quốc sẽ nằm trên diện tích đất 116.5 ha và 60 ha diện tích sử dụng mặt nước, với tổng mức đầu tư khoảng 4,200 tỷ đổng, chia làm 03 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư khoảng 1,000 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 2/2017. Giai đoạn 2, 3 sẽ thực hiện tiếp theo sau 2020.

Kho ngoại quan, dự trữ xăng dầu quốc gia do PV OIL đầu tư sẽ có diện tích sử dụng đất 35,16 ha và mặt nước 60 ha, với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, chia làm 02 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư khoảng 950 tỷ đồng với quy mô kho chứa là 70.000m3 và bến phao để tiếp nhận tàu có trọng tải đến 80 nghìn tấn và cầu cảng để tiếp nhận tàu có trọng tải đến 10 nghìn tấn, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2017. Giai đoạn 2 mở rộng thêm sức chứa kho 50.000m3, với mức đầu tư 450 tỷ đồng sẽ thực hiện sau 2017.

Chuyên mục phụ